Chó bị chảy máu mũi – đáng quan ngại hay không?

Trong quá trình chăm sóc vật nuôi, không thể tránh được việc các em ấy sẽ mắc phải một vài căn bệnh nào đó. Chó bị chảy máu mũi chính là một căn bệnh sẽ xuất hiện trên cơ thể một vài em cún và không phân biệt lứa tuổi. Khi mắc phải căn bệnh này, thú cưng sẽ có hiện tượng chảy máu mũi liên tục và đột ngột. Vậy thì, nguyên nhân do đâu mà xuất hiện căn bệnh này, cách phòng tránh và chữa trị cho các bé như thế nào cho đúng cách? Đừng lo lắng mà hãy cùng Blogpet.vn tìm hiểu kỹ hơn căn bệnh này qua bài viết dưới đây nhé!

Hiểu rõ hơn về việc chó bị chảy máu mũi

Hiểu rõ hơn về việc chó bị chảy máu mũi, liệu có nguy hiểm không?

Chảy máu mũi ở cún hay còn được gọi là chảy máu cam, hầu hết việc các bé cún bị chảy máu ở vùng mũi đều là dấu hiệu để báo động cho sự nguy hiểm mà chủ nhân nên đề cao cảnh giác. Chảy máu ở mũi gây ra lo lắng, hoảng loạn cho cả vật nuôi và chủ nhân, bệnh này đến từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Đặc biệt là các bé cún sẽ rất khó chịu, mệt mỏi do bị mất máu và tụt huyết áp. Bệnh này đa phần là do những nguyên nhân cấp tính như viêm nhiễm đường hô hấp trên hoặc chấn thương, hoặc cũng có thể là di truyền từ đời bố mẹ sang đời con và không phân biệt đực cái, các nguyên nhân khác đều là những biểu hiện của các bệnh lý nguy hiểm và các bé cún cần được chữa trị ngay lập tức.

Khi thú cưng của bạn bị chảy máu mũi liên tục thì các em ấy có thể đang mắc phải một số bệnh mãn tính hoặc nguy cơ tử vong cao như các loại u bướu, bệnh về máu và mạch máu, ung thư,…

Nguyên nhân khiến chó bị chảy máu mũi

Việc các bé cún yêu chảy máu cam có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến, trong đó Blogpet.vn sẽ chia ra các nhóm nguyên nhân chính như sau để các bạn dễ dàng tham khảo nhé:

Do di truyền

Việc bé chó bị chảy máu mũi do di truyền thường xảy ra ở một số giống chó nhất định, bệnh di truyền từ đời chó bố mẹ sang đời chó con, thông thường không phân biệt chó đực hay chó cái. Nguyên nhân bệnh này chính là xuất phát từ việc chó bị khiếm khuyết nhân tố đông máu thứ 8, do vậy chức năng tạo sợi Fibrin gắn kết hồng cầu bị ảnh hưởng. Hiện tượng là chó bị chảy máu mũi đột ngột từ 2 lỗ mũi liên tục với một lượng lớn.

Khi chó bị chảy máu mũi do di truyền thì bạn nên cảnh giác cao độ, bởi vì lượng máu chảy ra rất nhiều, nếu không cứu chữa kịp thời cho bé thì có thể dẫn đến việc bị tử vong. Căn bệnh này có thể nhanh chóng được chữa khỏi nhưng sẽ lại tái phát sau một thời gian và cứ lặp đi lặp lại như thế. Bệnh này thường gặp ở một số giống chó nhất định, có thể kể đến là ở các bé cún Becgie Đức (GSD) và Rottweiler, đặc biệt những em cún nhập thường có tỷ lệ mắc cao hơn cún được nhân giống ở trong nước.

Do ve chó

Ve chó là một loại ký sinh trên cơ thể của các em cún. Chủ nhân nếu chăm sóc bé kỹ càng thì thường sẽ tắm cho bé vài lần mỗi tuần. Nhưng điều này không có nghĩa là cơ thể bé đã hoàn toàn sạch sẽ, không hề xuất hiện ve chó. Ở một số trường hợp, ve chó không ký sinh ở bên ngoài cơ thể của bé mà ký sinh ngay bên trong hốc mũi cún cưng. Theo thời gian, loại ve chó này sẽ sinh sôi nảy nở và gây áp lực lên các thành mao mạch. Nếu áp lực quá lớn sẽ khiến mao mạch bị vỡ và gây ra hiện tượng chảy máu cam đột ngột và liên tục ở cún cưng đấy.

Dị ứng với lông của những vật nuôi khác

Nghe qua thì có vẻ hơi không thuyết phục nhưng việc dị ứng lông của các bé vật nuôi khác khiến chó bị chảy máu mũi cũng khá phổ biến hiện nay. Bởi vậy nếu vật nuôi có hiện tượng chảy máu mũi nhiều khi được nuôi cùng với những bé cưng khác trong nhà thì chủ nhân nên để ý kỹ việc này nhé. Bởi vì nếu thực sự chó bị chảy máu mũi do nguyên nhân này, thì việc sống cùng với nhau sẽ gây ra các ảnh hưởng rất xấu tới bé đấy! 

Do các nguyên nhân khác

  • Em chó bị va đập hay chấn thương ở phần mũi, nguyên nhân này rất dễ để xác định bằng mắt thường bởi phần mũi của các bé sẽ xuất hiện vết thương một cách rõ ràng, dễ nhận diện.
  • Chó bị nhiễm nấm, đặc biệt là Penicillium và Aspergillus Fumigatus. Khi nhiễm cún cưng sẽ có hiện tượng chảy máu mũi.
  • Khí quản của em cún bị tổn thương do các loại côn trùng ký sinh, các dị vật nằm ở khu vực này khiến cún bị dị ứng, hắt hơi nhiều gây nên vỡ niêm mạc và cuối cùng là chảy máu.
  • Chó cưng ăn phải bả hoặc thuốc diệt chuột gây vô hiệu hóa sự đông máu.
  • Hiện tượng say nắng hoặc sốc nhiệt. Cún bị sốc nhiệt chảy máu mũi thường xảy ra ở những giống chó nhập ngoại thường đã quen sống ở những vùng khí hậu lạnh và đặc biệt là sở hữu một bộ lông dày, dài.
  • Cún có các khối u trong khoang mũi
  • Cún bị dị ứng với một vài thành phần nào đó xuất hiện trong môi trường sống của bé, ví dụ như: phấn hoa, bông cỏ lau,…
  • Có thể là bệnh về răng miệng, nhiễm trùng.
  • Immune-mediated thrombocytopenia
  • Bệnh tủy xương
  • Bé cún bị phản ứng với thuốc (methimazole, thuốc hóa trị, estrogen, kháng sinh nhóm sulfa)
  • Ehrlichiosis (bệnh do bọ chét)
  • Sốt đốm Rocky Mountain (bệnh do bọ chét)

Thông thường, là chủ nuôi thì chúng ta có thể dễ dàng dự đoán bằng mắt thường khi thấy bé cún của mình chảy máu cam ở 1 hoặc 2 bên mũi. 

  • Nguyên nhân gây chảy máu 1 bên mũi ở chó: ngoại vật gây kích ứng mũi; bướu trong mũi; abscess răng gây chảy máu cam kèm theo sưng vùng mắt hoặc vùng sống mũi,…
  • Nguyên nhân gây chảy máu 2 bên mũi ở chó: rối loạn tự miễn; côn trùng trong mũi gây hắt hơi và làm cún liên tục cào vùng mũi; do thuốc điều trị; nuốt phải thuốc diệt chuột hoặc ăn phải chuột bị nhiễm độc; nhiễm nấm ở mũi; rối loạn đông máu; nhiễm ký sinh trùng máu do ve,… như Blogpet.vn đã nêu lên ở trên.

Theo nghiên cứu của Bissett và cộng sự vào năm 2007, trong 176 trường hợp các em chó bị chảy máu mũi, thì nguyên nhân cơ bản đã được tìm thấy trong khoảng 115 trường hợp có thể kể đến như sau:

+ 30% cún có khối u trong mũi

+ 29% cún có tổn thương

+ 17% có viêm mũi nhưng không rõ nguyên nhân

+ 10% cún có tiểu cầu thấp

+ 3% cún đã có một số khác của máu đông máu bất thường

+ 2% chó có huyết áp cao

+ 2% còn lại là cún bị áp xe răng

Chó bị chảy máu mũi cần phải làm gì?

Chó bị chảy máu mũi cần phải làm gì cho đúng cách?

Khi thấy bé cưng của mình chảy máu mũi không rõ nguyên do, chắc hẳn chủ nhân sẽ rất sợ hãi và lúng túng. Đừng quá hoảng loạn, hãy cùng Blogpet.vn tìm hiểu những cách cầm máu đơn giản tại nhà cho bé trước khi đưa đi khám nhé!

Sơ cứu cầm máu cho chó cưng

Thông thường, nếu một bé cún đột ngột chảy máu mũi sẽ khiến chủ nhân hoảng loạn và không biết phải xử lý như thế nào cho đúng. Điều đầu tiên Blogpet.vn khuyên bạn chính là cần phải hết sức bình tĩnh để sơ cứu một cách cẩn thận cho các bé. Những cách sơ cứu đúng cách là:

  • Giữ cún nằm yên ở địa hình bằng phẳng, để bé ngửa mặt lên, tránh để bé kích động hay cựa quậy để hạn chế được lượng máu chảy ra ngoài. Với những em cún bị sốc nhiệt thì cần được nằm ở những nơi mát mẻ, thông thoáng. Đồng thời phải an ủi, vỗ về để bé cưng của bạn không bị hoảng hốt, lấy lại bình tĩnh. Nếu tình trạng huyết áp tăng cao kết hợp với tâm trạng cún không ổn định sẽ càng làm máu chảy nhiều hơn đấy!
  • Dùng thuốc Adrenalin để nhỏ vài giọt vào mũi của bé, việc này sẽ ngăn máu chảy ít hơn. Bạn chỉ việc xoa đầu bé nhẹ nhàng, sau đó đặt bé ở tư thế thoải mái nhất. Tiếp theo là nhỏ vài giọt thuốc vào hốc mũi của cún, đợi một khoảng thời gian ngắn, máu sẽ dần dần đông lại và ngừng chảy. Đây là một cách thức chữa trị cho các em chó đơn giản nhất mà bất cứ chủ nhân nào cũng có thể thực hành tại chỗ đấy!
  • Trong trường hợp chủ nhân không có sẵn thuốc trong nhà thì hãy nhanh chóng dùng đá bỏ vào khăn sạch, hoặc có thể dùng khăn lạnh chườm lên mũi của bé để tăng khả năng đông máu, đồng thời giúp các mạch máu ở mũi có thể co lại, giảm lượng máu chảy ra. Đối với các giống chó đầu ngắn như bulldog, pug, boxer…, hãy đặt túi đá đúng chỗ để các bé cún vẫn có thể thoải mái thở được. Bạn chỉ nên chườm đá trong khoảng thời gian chừng 5-10 giây rồi nhấc túi chườm ra, xoa dịu ve vuốt vật nuôi để bé được thoải mái, đợi một lúc sau đó mới chườm tiếp, việc này sẽ giảm bớt được nguy cơ bé cưng bị bỏng lạnh nếu phần da bị tiếp xúc quá lâu với nước đá hoặc đơn giản chỉ để tránh gây sự khó chịu cho các bé. 
  • Chủ nhân cũng có thể áp dụng những bài thuốc đông y, sử dụng các loại lá cây có khả năng cầm máu như nhọ nồi, lá mát thanh nhiệt. Tuy nhiên Blogpet.vn không khuyến khích nếu bạn không thực sự am hiểu hoặc chắc chắn hiểu biết các bài thuốc này.
  • Dùng khăn giấy hoặc bông y tế thấm hết phần máu đã chảy và vệ sinh thật tỉ mỉ và nhẹ nhàng vùng mũi của bé.
  • Dùng bông, gạc nhét vào mũi bé cún để hạn chế được việc chảy máu
  • Truyền bù dịch cân bằng huyết áp cho cún.
  • Bổ sung Vitamin C và tiêm mạch máu Canxi Clorua giúp bền vững thành mạch máu.
  • Tiêm Vitamin K giúp hỗ trợ cầm máu.

Quan trọng là, bạn cần phải cẩn thận và bình tĩnh sơ cứu cầm máu cho chó trước khi đưa đến phòng khám thú y nhé!

Lưu ý

Chủ nhân nên tránh dùng kháng sinh tiêm vì bệnh này không hề liên quan gì tới nhiễm trùng. Bên cạnh đó, tuyệt đối không dùng thuốc Aspirin cho các bé cún nghi mắc bệnh chảy máu mũi. Khi chưa biết rõ nguyên nhân căn bệnh chảy máu cam ở chó, bạn cũng không nên tự ý điều trị theo ý tại nhà. 

Rất nhiều trường hợp các bé chó bị chảy máu mũi là do bé bị chấn thương hoặc có dị vật trong mũi nhưng chủ nhân lại nhầm lẫn sang tình trạng máu khó đông, điều này khiến việc điều trị trở nên tốn kém mà không đạt được hiệu quả. Ngoài ra, việc không phát hiện sớm được nguyên nhân gây ra bệnh chảy máu cam ở cún cũng có thể dẫn tới các hệ quả đáng tiếc như bé cún bị hoại tử, sức khỏe giảm sút và thậm chí là ảnh hưởng tới tính mạnh của vật nuôi. Chính vì thế, nếu bạn phát hiện bé có nguy cơ ăn phải bả chuột, thuốc kháng sinh, chống viêm,… của người thì việc đưa các bé tới phòng khám thú y kịp thời là hết sức quan trọng.

Nhanh chóng đưa cún đi phòng khám thú y

Sau khi đã cầm máu tạm thời cho bé cún thì điều chủ nhân cần làm tiếp theo là nhanh chóng đưa thú cưng tới phòng khám hoặc cơ sở thú y gần nhất. Bởi vì hiện tượng chó bị chảy máu mũi thực sự rất nguy hiểm, nếu cún bị mất máu quá nhiều thì sẽ rất khó chịu, mệt mỏi, tụt huyết áp và nặng hơn là dẫn tới tử vong. Ngoài ra, nếu cún bị thương thì còn có thể bị nhiễm trùng, do vậy phương án tốt nhất là để cún cưng được điều trị kịp thời bởi các bác sĩ có kinh nghiệm.

Làm thế nào để chẩn đoán nguyên nhân gây chó bị chảy máu mũi?

Làm thế nào để bác sĩ có thể chẩn đoán nguyên nhân gây chó bị chảy máu mũi?

Hỏi về bệnh sử của bé cún

Đầu tiên, bác sĩ thú y sẽ hỏi bạn về bệnh sử của thú cưng. Nếu có thể, chủ nhân hãy cung cấp những thông tin hữu ích như sau:

  • Bạn có cho bé cún uống bất kỳ loại thuốc nào trong vòng 30 ngày qua (bao gồm cả việc bé cún vô tình nuốt phải thuốc) hay không? Thuốc chống viêm không steroid (NSAID), đặc biệt là aspirin, có thể vô hiệu hóa các yếu tố làm đông máu, làm cho bé cún bị chảy máu tự phát. Hãy nhớ ghi lại tất cả các loại thuốc và chất bổ sung mà bạn cho thú cưng dùng nhé.
  • Trong bãi nôn của bé cún có vùng nào màu “cà phê” sẫm hay không?
  • Cún của bạn có hắt hơi hay tự cọ vào mũi các bé hay không?
  • Cún của bạn có ăn hoặc giết bất kỳ loài gặm nhấm nào trong khoảng hai đến ba tuần qua không?
  • Bạn có sử dụng thuốc diệt chuột hoặc các loại thuốc trừ sâu khác trong nhà hoặc ngoài sân hay là không?
  • Cún có bị sưng hoặc xuất hiện u, cục trên cơ thể hay không?
  • Cún có thường xuyên chơi đùa với một con vật nào khác hay không?
  • Cún của bạn có tiếp xúc với cỏ đuôi chồn hoặc những loại cây dễ bị mắc vào mũi hay không?
  • Cún của bạn có bị chấn thương ở mũi không?
  • Bạn có thấy máu trong miệng hoặc dọc theo nướu của cún không?
  • Bạn có thấy vùng da nào của cún bị thâm tím hoặc sạm đen bất thường không?
  • Bạn có thấy phân cún đen sì không?

Sau khi đánh giá kỹ càng bệnh sử, bác sĩ thú y sẽ bắt đầu tiến hành khám sức khỏe cho thú cưng. Bác sĩ sẽ kiểm tra những sự bất thường như sau:

  • Sống mũi của cún bị sưng tấy
  • Mặt em cún bị biến dạng hoặc bị bất cân xứng
  • Mí mắt thứ ba bị nâng cao lên
  • Bắt đầu chảy nhiều nước mắt
  • Màu sắc của nướu, đặc biệt là khi nướu của bé nhợt nhạt hơn bình thường
  • Bé bị lồi một bên mắt
  • Bé bị đỏ mắt
  • Da mặt của cún bị xô lên xung quanh mũi

Xét nghiệm

Ngoài việc thăm khám cho bé cưng trực tiếp, tùy trường hợp mà các bác sĩ thú y có thể đề nghị thêm các xét nghiệm khác nhau để đưa ra chẩn đoán một cách chính xác nhất, có thể kể đến là các xét nghiệm như sau:

  • Xét nghiệm công thức máu để xác định được thiếu máu, số lượng tiểu cầu…
  • Sinh hóa huyết thanh là một loại xét nghiệm máu dùng để đánh giá chức năng nội tạng, xem gan hoặc thận của bé cún có bị tổn thương do độc tố hoặc các loại bệnh khác có thể làm chó bị chảy máu mũi hay không.
  • X-quang dùng để phát hiện dấu hiệu máu chảy trong cơ thể hoặc những bất thường khác. Ngực, hộp sọ và khoang miệng thường được chụp X-quang khi bé cún bị chảy máu cam.
  • Lấy dịch mũi họng để nuôi cấy và kiểm tra độ nhạy kháng sinh, từ đó có thể xác định những tác nhân lây nhiễm.
  • Xét nghiệm nước tiểu để xác định có máu trong nước tiểu hoặc những bất thường khác.
  • X-quang kiểm tra vùng hầu, họng, mũi, vùng ngực của bé cún
  • Xét nghiệm đông máu là một loạt các xét nghiệm đánh giá chức năng của các cơ chế đông máu khác nhau trong máu của chó.
  • Đo huyết áp vì huyết áp cao cũng có thể là nguyên nhân làm em cún chảy máu cam.
  • Nuôi cấy nấm dùng để sàng lọc tình trạng nhiễm nấm trong khoang mũi của cún.
  • Ngoài ra còn có các xét nghiệm khác như test nhanh ký sinh trùng máu do ve ( Rickettsia, Ehrlichia,…), xét nghiệm đông máu, xét nghiệm kháng thể Ehrlichia, đo huyết áp, phân tích tủy xương, chụp X-quang xoang và sọ, MRI và soi mũi (xem khoang mũi bằng ống nội soi nhỏ).

Điều trị chó bị chảy máu mũi

Điều trị chó bị chảy máu mũi như thế nào?

Điều trị cho chó bị chảy máu mũi như thế nào chắc hẳn là câu hỏi của rất nhiều chủ nuôi đúng không nào?

Phương pháp điều trị căn bệnh này sẽ tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và nguyên nhân làm các bé chó bị chảy máu mũi.

Trong trường hợp bé cún bị nhiễm trùng, cún có thể được bác sĩ kê uống thuốc kháng sinh. Nếu tình trạng chảy máu mũi bắt đầu trở thành mãn tính, bác sĩ thú y có thể sẽ phải phẫu thuật đốt mạch máu mũi cho bé cún.

Nếu nghi ngờ cún có thể bị máu cam, bác sĩ có thể chỉ đơn giản kê thuốc an thần hoặc các loại thuốc điều chỉnh hành vi khác cho các bé mà thôi.

Chó bị chảy máu mũi là dấu hiệu của khá nhiều căn bệnh khác nhau. Vì vậy, để an tâm nhất, bạn nên đưa bé cưng của mình đi kiểm tra bác sĩ thú y ngay khi thấy hiện tượng này xuất hiện nhé!

Cách phòng tránh hiện tượng chó bị chảy máu mũi

Việc phòng tránh hiện tượng chảy máu mũi ở bé cún còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau hay nguồn gây bệnh, việc này còn hoàn toàn dựa vào kiến thức của chủ nhân để tránh các bệnh nguy hiểm cho thú cưng. Tuy nhiên với các nguyên nhân từ bên ngoài thì bạn có thể áp dụng các biện pháp phòng tránh sau đây:

  • Bạn nên theo dõi chó thường xuyên, tránh để cún cưng va chạm, xô xát với các vật nuôi khác hay chơi đùa ở những khu vực có nhiều vật nhọn nguy hiểm. Bạn cũng có thể mua thêm các loại đồ chơi gặm chuyên dụng để các bé có thể tự chơi đùa và tập luyện một cách an toàn hơn.
  • Khi chọn đón các em cún cưng thuần chủng, chủ nhân nên tìm hiểu thật kỹ càng tỉ lệ mắc các bệnh về máu trong phả hệ của bé cưng.
  • Khi dẫn bé đi dạo phố, bạn nên đeo rọ mõm cho bé để tránh việc bé hiếu kỳ ăn phải các chất độc hại.
  • Tiếp theo là nên cho bé tiêm phòng vacxin đầy đủ, khám sức khỏe định kỳ để tiện theo dõi các vấn đề bất thường có thể xảy ra. Đặc biệt là với các bé chó đã có tiền sử bị chảy máu mũi di truyền.
  • Quan trọng là hãy thiết lập chế độ dinh dưỡng đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu để em cún có thể phát triển toàn diện, khỏe khoắn, có sức đề kháng tốt trước các mầm bệnh nguy hiểm. Thường xuyên cho bé cún ăn thêm rau muống, uống sữa, thỉnh thoảng bổ sung thêm cho bé vitamin C, tiêm Canxi Clorua (có tác dụng giúp mạch máu được vững hơn).
  • Chủ nhân nên vệ sinh kỹ càng chuồng nuôi chó, chỗ ở định kỳ của chó để tránh việc bị vi khuẩn xâm nhập. Với những bé thú cưng có thói quen sống ở khí hậu lạnh thì bạn hãy tỉa lông cho bé và đảm bảo môi trường sống mát mẻ, thoáng đãng vào mùa nóng nhé.

Hiện tượng chó bị chảy máu mũi quả thực không quá xa lạ với các chủ nhân. Tuy nhiên, bạn cũng cần phải để ý kỹ tới hiện tượng này nhé. Bởi vì biết đâu các bé cưng đang mang trong mình mầm bệnh nguy hiểm nào đó mà không lường trước được. Chính vì thế, hãy luôn phòng tránh, cho bé một môi trường sống an toàn nhất có thể. Hy vọng bài viết trên sẽ giúp ích phần nào cho các bạn trong quá trình nuôi nấng thú cưng nhé! Hẹn gặp các bạn ở những bài viết khác!

 

Rate this post
chó bị chảy máu mũi
Comments (0)
Add Comment