Chó bị nấm: nguyên nhân và cách chữa trị

0 42.001

Chó bị nấm là một trong những căn bệnh về da phổ biến ở loài chó. Những chú chó sống ở các khu vực có khí hậu nhiệt đới dễ bị nấm da hơn. Căn bệnh này gây ra từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Mặc dù không đe dọa đến tính mạng, nhưng căn bệnh này vẫn gây ra cảm giác khó chịu và đau rát cho thú cưng của bạn. Đồng thời khiến cún cưng trở nên kém phần thẩm mỹ vì chó bị bệnh nấm rất dễ bị rụng lông. Vậy, chó bị nấm do đâu? Và đâu là cách chữa trị cho chó hiệu quả? Tất cả đều được giải đáp qua bài viết sau đây.

Sơ lược bệnh nấm da ở chó

Chó bị nấm
Bệnh nấm da khá phổ biến ở chó

Bệnh nấm da ở chó hay còn có tên gọi tiếng Anh là Fungal Infections. Đây là một dạng bệnh ngoài da do một số loại nấm thuộc nhóm nấm Dermatophytes gây ra. Nhóm nấm này bao gồm Trichophyton mentagrophytes , T verrucosum, Microsporum canis và T erinacei, M gypseum,… Trong đó, nấm M gypseum có khả năng gây ra các tổn thương viêm trên da của chó. 

Sau khi xâm nhập vào cơ thể của chó, các sợi nấm này bắt đầu công cuộc tàn phá các sợi lông, các lỗ chân lông trên da và móng của chó. Đó là lý do bệnh nấm da làm chó xuất hiện các vảy gàu trên da, thậm chí bị rụng lông ở vùng da bị nhiễm nấm. 

Biểu hiện bệnh lý khi chó bị nấm nặng hay nhẹ phụ thuộc vào mật độ phát tán của nấm và bào tử của nó trên da của chó. Có chú chó bị rụng lông thành từng mảng. Sau đó rụng lông toàn thân khiến lông mỏng bất thường, lông xơ xác và thô ráp. Điều này khiến vẻ đẹp của cún cưng bị sụt giảm nặng nề. Cũng có chú chó bị bốc mùi hôi khó chịu do nấm làm da bị tróc vảy gàu và chảy máu da. Có chú chó bị nhiễm khuẩn và biến chứng thành nhiều bệnh về da khác. 

Bệnh nấm ở chó lây qua đường tiếp xúc. Chó khoẻ mạnh khi tiếp xúc trực tiếp với chó bị nấm hoặc tiếp xúc gián tiếp với lông bị gãy rụng của chó bệnh cũng có nguy cơ bị nhiễm nấm cao. 

Bệnh nấm khá phổ biến ở các giống chó cảnh như chó Pug, chó Phốc, chó Poodle,… Không chỉ chó mà loài mèo cũng có nguy cơ bị nhiễm nấm. Tất cả mọi chú chó, ở mọi độ tuổi đều có thể bị nấm. Tuy nhiên tỷ lệ nhiễm nấm ở những chú chó con hoặc chó bị suy nhược dinh dưỡng cao hơn so với những chú chó khoẻ mạnh bình thường. Nếu như không phòng và chữa bệnh nghiêm ngặt, bệnh nấm ở chó có thể lây lan sang cho người. 

Bệnh nấm nói riêng và các bệnh về da nói chung hầu hết đều không gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, việc điều khị khá khó khăn, phức tạp và tốn nhiều thời gian nếu như không sử dụng phương pháp chữa trị đúng cách. Do đó, chủ nuôi cần phòng bệnh sớm cho chó nhé! Nếu chó vô tình bị nhiễm nấm, bạn nên đưa cún cưng đến gặp bác sĩ có chuyên môn về da để nhận phác đồ chữa trị phù hợp và hiệu quả. 

Nguyên nhân chó bị nấm

Trước tiên, để chữa trị đúng cách và đạt hiệu quả tối đa, chúng ta đi tìm hiểu vì sao chó bị nấm. Từ đó, lựa chọn được phương pháp điều trị bệnh nấm da ở chó một cách dứt điểm và loại bỏ nguy cơ tái phát trở lại. 

Bào tử nấm có mặt ở khắp mọi lúc, mọi nơi. Chúng sẵn sàng tấn công vào cơ thể của thú cưng nhà bạn ngay khi có cơ hội. Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra bệnh nấm da ở chó. 

Tiếp xúc với con vật khác bị bệnh nấm

Bệnh nấm dễ lây lan qua đường tiếp xúc

Các vi khuẩn nấm ký sinh trên da của thú cưng, và lan truyền ra môi trường thông qua những sợi lông bị rụng của chó nhiễm bệnh. Vì thế, nếu thú cưng nhà bạn chơi đùa, tiếp xúc gần với chó bị nấm, khả năng cao các bào tử nấm đã “ghé thăm” vào cơ thể chú chó của bạn. Vì thế, ngay khi phát hiện ra một chú chó bị nấm, bạn nên cách ly nó với các con vật còn lại trong gia đình. Bệnh nấm có thể âm thầm lan truyền cho những loài vật khác. 

Chó không được vệ sinh sạch sẽ 

Các bệnh về da bao giờ cũng xảy ra do không đảm bảo vệ sinh cơ thể và môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát cho thú cưng. Nguy cơ nhiễm nấm ở những chú chó sống trong môi trường ô nhiễm, ẩm ướt là rất cao. Đó là lý do những chú chó vô gia cư dễ bị nấm bởi chúng thường sống trong các ống cống, bãi rác, lề đường – nơi chứa đựng nhiều loại vi khuẩn và virus. 

Bên cạnh môi trường sống kém vệ sinh, chó còn không được tắm rửa thường xuyên nên bụi bẩn tích tụ lâu ngày trên lông da. Lông cũng để dài rậm rạp mà không cắt tỉa cho gọn gàng nên dễ hút bụi bẩn bám trên lông. 

Bụi bẩn và mồ hôi trên da là môi trường cực kỳ lý tưởng cho các loại vi khuẩn, virus nấm bám vào, ký sinh và phát triển. Đặc biệt là các loại ký sinh trùng sống trên lông da của chó như ve chó, bọ chét, rận… Chúng cắn sâu vào da chó để hút máu và dinh dưỡng, khiến da chó bị tổn thương. Kết hợp với bụi bẩn bám trên da nên chó dễ bị nhiễm trùng, viêm da có mủ và bị nấm. 

Bề mặt da và lông thường xuyên ẩm ướt cũng là tác nhân gây ra bệnh nấm da ở chó. Đặc biệt là những giống chó có bộ lông dài và dày. Vì thế, sau khi tắm cho chó xong, chủ nuôi nên lau khô cơ thể và sấy khô lông cho chó để tránh tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển, nhất là các loại virus nấm. Việc không tắm rửa trong thời gian dài cũng khiến da lông chó bị ẩm ướt cho tích tụ bã nhờn trên da. 

Chó bị ve chó, bọ chét ký sinh

Chó bị nấm
Ve chó, bọ chét ký sinh làm tổn thương da của chó, tạo điều kiện cho nấm phát triển

Bệnh nấm là một trong những triệu chứng phổ biến ở chó bị ve chó, bọ chét ký sinh. Ve chó, bọ chét là loại ký sinh trùng lưu trú trên da của vật nuôi. Ngay sau khi xâm nhập vào cơ thể của thú cưng, chúng bắt đầu nhai da, hút máu của ký chủ để duy trì sự sống và phát triển. Ở các vùng da trên cơ thể bị ve chó, bọ chét ký sinh sẽ xuất hiện các vết mẩn đỏ, lở loét hoặc các mảng da bị tróc vảy do bị kích ứng, khiến cún cưng bị ngứa ngáy khó chịu. Do đó thú cưng thường cọ xát cơ thể vào các vật cứng, gãi. Thậm chí dùng răng cắn vào da tạo nên những vết thương trên cơ thể. 

Những vùng da bị tổn thương này là “thiên đường” dành cho các loại vi khuẩn, virus sinh sôi và phát triển. Đặc biệt là các bào tử nấm. Đó là lý do triệu chứng đặc trưng nhất của những chú chó bị ve chó, bọ chét quấy rầy là bệnh nấm trên da.

Do đặc điểm ngoại hình của giống chó

Thực tế chứng minh các giống chó ở vùng nhiệt đới ẩm, có bộ lông dài và rậm dễ mắc bệnh nấm hơn các chú chó lông ngắn.

Một số giống chó lông dài có thể kể đến như chó Nhật, Colie, chó Pug, chó Bắc Kinh. Mặc dù lông chó Pug không dài nhưng chó Pug là dễ nhiễm nấm nhất. Bởi làn da của chúng là những nếp gấp, dễ bị ẩm và khó thông thoáng khi vận động cường độ cao. Vì thế, nếu như không được vệ sinh cơ thể kỹ lưỡng, thường xuyên, chó Pug nhà bạn sẽ có nguy cơ bị nhiễm nấm.

Khí hậu nóng ẩm làm lớp da và lông của chó luôn trong trạng thái ẩm ướt. Bên cạnh đó, việc vệ sinh cơ thể cho giống chó lông dài cũng khó khăn, mất nhiều công sức và thời gian hơn các giống chó khác. Chỉ cần để lông ẩm ướt một thời gian là vi khuẩn nấm sẽ phát triển ngay lập tức. 

Do độ tuổi của chó

Độ tuổi cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến bệnh nấm ở chó. Theo chuyên gia, chó con và chó già dễ bị nhiễm mầm bệnh từ chó mang bệnh hơn những chú chó trưởng thành. Do sức đề kháng da lông không được đảm bảo. Trong đó, chó con dưới 6 tháng tuổi là dễ nhiễm bệnh nấm nhất.

Tắm cho chó quá nhiều lần

Việc tắm nhiều làm mất đi lớp nhờn tự nhiên trên da chó

Tại sao chó bị nấm do tắm quá nhiều lần? Đây là thắc mắc của nhiều người nuôi chó, bắt nguồn từ suy nghĩ tắm càng nhiều, chó càng sạch sẽ và càng ít nguy cơ bị các bệnh ngoài da. Cũng có nhiều chủ nuôi vì muốn cún cưng luôn thơm tho nên tắm cho chó thường xuyên để khử mùi hôi cơ thể. 

Tuy nhiên, các nguyên cứu đã chỉ ra rằng việc tắm cho chó quá nhiều lại không thực sự tốt cho sức khỏe của cún cưng. Bởi việc này vô tình làm da chó bị mất đi chất nhờn tự nhiên trên da. Lớp bã nhờn này có chức năng giữ ẩm, cân bằng độ PH bị trôi đi và bảo vệ làn da khỏi sự xâm nhập của các loại vi khuẩn. 

Do đó, tắm quá nhiều lần sẽ khiến da của cún cưng bị tổn thương, trở nên nhạy cảm hơn và làm giảm sức đề kháng với bệnh tật. Tạo cơ hội vàng cho các vi khuẩn nấm “tàn phá” cơ thể xinh đẹp của cún cưng. 

Việc sử dụng các loại sữa tắm có nồng độ pH cao cũng khiến da của cún cưng mất đi độ ẩm và dễ dàng bị nhiễm nấm hơn. Nhiều người thậm chí còn sử dụng sữa tắm của người cho cún cưng, khiến da chó bị kích ứng, mẩn đỏ. Bởi trong sữa tắm của người có nhiều thành phần diệt trừ các lợi khuẩn bảo vệ cho bộ da lông của chó, khiến da chó nhạy cảm và dễ bị rụng lông hay bị nấm. 

Chó con bị nhiễm nấm từ chó mẹ 

Nếu chó mẹ bị viêm da, nấm, rất có khả năng chó con cũng bị nhiễm bệnh thông qua đường sữa mẹ. Chính vì vậy, chủ nuôi cần chú ý phòng bệnh cho chó đang mang thai để tránh nguy cơ lây nhiễm cho chó con. Hoặc chữa trị dứt điểm nhanh chóng khi cún cưng đang mang thai. 

Dấu hiệu chó bị nấm

Chó bị nấm
Chó ngứa ngáy, khó chịu khi bị nhiễm nấm

Các dấu hiệu lâm sàng khi chó bị nấm là rụng lông, da bị bong tróc. Với tình trạng nhẹ, chó nhiễm nấm có thể chỉ rụng lông một chút lông, khiến lông bị mỏng hơn bình thường một chút. Trường hợp nghiêm trọng hơn, chó bị rụng lông nhiều thành từng mảng tròn, sau đó lan ra khắp cơ thể. Nhìn từ xa, trông chó nhếch nhác với bộ lông bị trụi lông lốm đốm. Lông chó bị bệnh nấm trở nên xơ xác và mất thẩm mỹ.

Tuy nhiên, bạn cũng cần phân biệt chó bị rụng lông do bị nấm hay đang trong thời kỳ thay lông hoặc phát dục. Đây là những giai đoạn lông chó bị rụng nhiều nhất. Vì thế, để nhận biết dấu hiệu nấm da ở chó, bạn có thể quan sát thêm những triệu chứng sau. 

Bên cạnh rụng lông, da của chó bị nấm còn bị bong tróc, xuất hiện vảy gàu, chảy máu. Không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống sức khỏe của cún cưng, bệnh nấm da còn gây ra nhiều bất tiện cho chủ nuôi. Bởi chó bị nấm phát ra mùi hôi cơ thể cực kỳ khó chịu. Nếu chó sống trong nhà cùng với chủ nuôi thì càng bất tiện hơn nữa. Chắc chắn bạn không thể nào ôm hay vuốt ve một chú cún bị hôi đúng không nào? 

Những vùng dễ bị vi khuẩn nấm xâm nhập nhất là cổ, trên đầu, các bàn chân… Vi khuẩn nhai da, hút máu của chó khiến chúng bị ngứa ngáy và khó chịu vô cùng. Để giảm ngứa, chúng thường dùng chân của mình gãi lên các vùng da bị ngứa, thậm chí dùng răng cắn vào vết thương để làm tê liệt cảm giác ngứa ngáy khó chịu này. 

Một số biểu hiện khác thường thấy khi chó bị nấm như:

  • Chó hay bị chảy dãi do ngứa miệng.
  • Các vùng da bị tổn thương, sưng tấy ửng đỏ ở vị trí có nấm ký sinh. Chó gặm và gãi vùng da bị tổn thương gây ra nhiễm trùng. 
  • Sau khi vết thương khô lại sẽ bị tróc vảy da, tạo thành vết chàm sần sùi, thô ráp giống như gàu. 
  • Vùng da bị nấm có thể bị hoại tử nếu bệnh kéo dài lâu ngày. Vị trí bị hoại tử sẽ bị lở loét và có mùi hôi khó chịu
  • Vết thương trên da có dấu hiệu thâm đen, sạm và sần sùi như da cóc, nổi mụn nhưng không có mủ 
  • Thường xuyên gãi, ngứa ngáy tại các tụ điểm của nấm.
  • Chó thường hay chà mình vào tường, lăn lộn, lắc đầu do đây là các vị trí bị khuất, không gãi ngứa được.
  • Xuất hiện vảy gàu vón cục ở viền tai.
  • Chó bị sốt nhẹ.

Chính vì chịu đựng tất cả những nỗi đau trên mà chó trở nên mệt mỏi, khó tính và hung dữ hơn. Tâm trạng thay đổi thất thường. Vì thế, ngay khi cún cưng xuất hiện những triệu chứng trên, bạn nên dẫn cún cưng đi khám bệnh để chẩn đoán chuyên sâu như soi tế bào biểu bì và điều trị sớm để tránh các biến chứng nghiêm trọng khác. 

Nhiều loại nấm còn có khả năng truyền nhiễm sang cho người khi tiếp xúc với chó bị nhiễm nấm. Vi khuẩn và virus nấm trú ngụ trong các tế bào da chết, lông rụng hoặc với mô bị viêm đều có thể lây lan sang người. 

Tuỳ theo mức độ các triệu chứng mà thời gian điều trị bệnh nấm ở mỗi chú chó là khác nhau. Tuy nhiên, quá trình này đòi hỏi sự kiên nhẫn và kiên trì nên bạn đừng sốt ruột nhé!

Cách điều trị chó bị nấm hiệu quả 

Chữa trị nấm cho chó sớm để không gây ra biến chứng nghiêm trọng

Có rất nhiều cách điều trị bệnh nấm da cho chó nhưng đâu mới là phương pháp điều trị hiệu quả và an toàn nhất? Đây là câu hỏi khiến nhiều chủ nuôi có chó bị bệnh đang thắc mắc. Dựa vào mức độ diễn tiến của bệnh nấm ở chó, bạn có thể áp dụng các cách điều trị nấm phổ biến sau. 

Trước tiên, ngay sau khi phát hiện ra chó bị nấm, bạn cần cách ly tạm thời chú chó bị bệnh với những vật nuôi và các thành viên khác trong gia đình. Bởi bệnh nấm có thể lây nhiễm sang vật nuôi và con người. 

Sau đó, bạn hãy vệ sinh sạch sẽ vùng da bị nấm cho chó. Nếu vùng da đó bị bong tróc, vảy gàu thì hãy cắt lông ở vị trí lưu trữ vi khuẩn nấm đi. Sau đó mới tiến hành vệ sinh, sát trùng vùng da bị nấm và bôi thuốc đặc trị nấm nhé. Việc vệ sinh sạch sẽ cơ thể chó sẽ giúp quá trình điều trị và thuốc bôi trị nấm đạt hiệu quả hơn. 

Bước tiếp theo, bạn cần ngừng sử dụng loại sữa tắm thường dùng cho chó. Lưu ý rằng không nên tắm cho chó trong thời gian điều trị bệnh nấm vì môi trường ẩm ướt sẽ tạo điều kiện cho nấm phát triển mạnh mẽ hơn. Bạn chỉ nên tắm cho cún cưng ngay sau khi phát hiện ra vi khuẩn nấm trên cơ thể chó bằng dung dịch phèn chua 3% hòa nước. 

Nếu cần thiết, bạn có thể nhẹ nhàng tắm cho cún cưng bằng các loại nước lá như lá ổi, lá trà xanh, lá tía tô kinh giới… để không làm kích ứng vùng da bị nấm thêm nữa. Bạn cũng có thể sử dụng các loại sữa tắm đặc trị nấm đang thịnh hành trên thị trường hiện nay để bảo vệ làn da của cún cưng nhé! Ngoài ra, bạn nên kỳ cọ kỹ càng hơn một cách nhẹ nhàng ở vị trí xung quanh vùng da bị nấm. 

Chữa bệnh cho chó bị nấm bằng cồn iod Betadine

Chó bị nấm
Cồn iod Betadine giúp trị nấm cho chó hiệu quả

Nếu bệnh chưa chuyển biến nặng, các vùng da nhiễm nấm còn khá ít và quy mô nhỏ, bạn có thể tự điều trị cho cún cưng tại nhà bằng dung dịch sát khuẩn Betadine 10%. Hạn chế cho chó yêu uống thuốc và tiêm thuốc trị nấm nếu bệnh nhẹ vì các loại thuốc này đều có tác dụng phụ, ảnh hưởng đến sức khoẻ của cún cưng. 

Sau khi lau và sấy khô bộ lông của cún cưng, bạn hãy bôi thuốc sát trùng vào vùng da của chó đang bị nấm hay vảy gầu. Thuốc sát trùng sẽ “tiêu diệt” mọi bụi bẩn và vi khuẩn, virus nấm bám bề mặt da bị bệnh. 

Bôi thuốc sát trùng vào vết thương ít nhất 2 lần mỗi ngày. Betadine có khả năng diệt đơn bào nấm rất mạnh nên sau khi dùng thuốc khoảng 3 – 4 ngày, bạn sẽ thấy bệnh được cải thiện rõ rệt. Và chỉ sau 1 tuần là chó sẽ khỏi bệnh. 

Tuy nhiên, nếu chó nhà bạn đang mang thai hoặc cho con bú, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ thú y trước khi sử dụng. Hiện nay, các tiệm thuốc tây hoặc các trung tâm khám chữa bệnh cho chó đều có sẵn thuốc sát trùng. Vậy nên các sen đừng lo không kiếm được thuốc sát trùng nhé!

Chữa bệnh cho chó bị nấm bằng thuốc trị nấm toàn thân

Chó bị nấm
Thuốc trị nấm toàn thân mỡ kẽm Oxyd

Bên cạnh dung dịch sát khuẩn Betadine 10%, bạn có thể sử dụng kết hợp với thuốc trị ghẻ nấm mỡ kẽm Oxyd. Kẽm Oxyd một loại thuốc bảo vệ da, có tác dụng sát khuẩn nhẹ và làm săn da. Sau khi rửa sạch vết thương, bôi thuốc đều đặn hằng ngày từ 2 – 3 tuần, các vi khuẩn nấm sẽ biến mất dần, trả lại cho cún cưng làn da mịn màng. 

Nếu tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn do điều trị muộn, bạn nên cho chó dùng thuốc điều trị nấm Alkin – FungikuR. Đây là loại thuốc trị nấm dạng xịt cực kỳ tốt và được đánh giá cao trong việc điều trị ghẻ, nấm.

Một số loại thuốc điều trị bệnh nấm da cho chó hiệu quả được nhiều người khuyên dùng như:

  • Thuốc trị nấm da Ketoconazole dạng viên: Đây là loại thuốc chuyên trị các bệnh ngoài da gây ra bởi vi khuẩn Malassezia và Dermatophytes. Thuốc dùng được cho cả chó và mèo. Đối với chó, bạn hãy dùng liều 10 -15mg ketoconazole tương ứng với 1kg thể trọng. Còn mèo thì sử dụng liều  5 đến 10 mg ketoconazole/kg. Mỗi ngày uống 2 lần, vào buổi sáng và tối (cách nhau 12 giờ) trong thời gian ít nhất từ 2 – 4 tuần nhé! Tuy nhiên, lưu ý không dùng thuốc cho chó bị bệnh về gan, có tiền sử bị shock. 
  • Thuốc trị nấm Sebacin: Đây là thương hiệu thuốc trị nấm cho chó được nhiều người đánh giá cao tại Việt Nam. Bằng việc sử dụng thuốc trị nấm Sebacin kết hợp với việc chăm sóc và vệ sinh đúng cách, chó có thể sớm phục hồi sức khoẻ sau khi bị nấm. 

Khi mua thuốc, bạn nên tham khảo ý kiến dược sĩ, nhân viên y tế để chọn lựa loại thuốc phù hợp với cún cưng của mình. Trước khi bôi thuốc, bạn cần đảm bảo vết thương đã được vệ sinh sạch sẽ để thuốc đạt hiệu quả tối đa. Đồng thời hạn chế trường hợp da dị ứng, nhiễm trùng hay hoại tử,… ở vị trí da bị nhiễm nấm. 

Đối với những trường hợp bệnh tình diễn tiến nghiêm trọng, các sen nên đưa cún cưng của mình đi khám tại các cơ sở thú y để có hướng điều trị đúng đắn. Hãy chắc chắn đảm bảo liệu trình điều trị mà bác sĩ đưa ra để cún cưng hồi phục sức khỏe hoàn toàn, tránh tình trạng tái nhiễm nấm.

Chữa bệnh cho chó bị nấm bằng dầu tắm 

Dùng dầu tắm trị nấm để chữa bệnh nấm ở chó

Các loại dầu tắm chứa thành phần: ketoconazole, miconazole và các chế phẩm bao gồm chlorhexidine có khả năng kháng nấm cực kỳ hiệu quả. Do đó, bạn có thể sử dụng dầu tắm trị nấm kết hợp để chữa bệnh nấm cho cún cưng của mình. Bạn có thể tham khảo một số loại dầu tắm đang thịnh hành như:

  • Dầu tắm trị ghẻ nấm Fleeky: Đây là loại sữa tắm chuyên dụng dành cho chó bị bệnh nấm ghẻ. Ưu điểm của Fleeky là nồng độ pH trong sữa tắm an toàn và không gây dị ứng với làn da chó. Bên cạnh đó, sản phẩm còn có tác dụng thúc đẩy quá trình điều trị bệnh hiệu quả hơn. Mỗi tuần tắm cho chó từ 1- 2 lần, chú ý rửa sạch những vùng da bị nhiễm nấm. Hãy tắm cho chó nhanh nhất có thể để chúng hạn chế tiếp xúc với nước nhé!
  • Sữa Tắm Trị Nấm Viêm Da Modern Pet Dermacare: là dầu tắm điều trị và kiểm soát tình trạng viêm da gây ra do vi khuẩn nấm Staphylococcus intermedius và Malassezia pachydermatis gây ra. Dermacare chứa 2% chlorhexidine và 2% miconazole nên cực kỳ an toàn với làn da nhạy cảm của cún cưng. Sau khi thoa đủ lượng dầu tắm lên lông, mát xa nhẹ nhàng từ đầu đến chân để tạo bọt rồi để yên cho thuốc thấm trong 5-7 phút. Sau đó tắm lại với nước sạch. Dùng đều đặn 2-3 ngày/lần trong khoảng 4 tuần, bạn sẽ thấy hiệu quả rõ rệt. Sữa Tắm Trị Nấm Viêm Da Modern Pet Dermacare cũng có thể dùng để phòng bệnh khi chó không bị nấm. Tuy nhiên, số lần tắm sẽ giảm lại từ 1-2 tuần/ lần. 

Chữa bệnh cho chó bị nấm bằng cách tắm cho chó bằng lá cây 

Nấu lá cây làm nước lá để tắm cho chó bị bệnh nấm

Nếu như bạn là tín đồ của những phương pháp điều trị bệnh dân gian, chắc chắn cách chữa trị bệnh nấm cho chó này là dành cho bạn. Một số loại lá cây có khả năng khử khuẩn rất tốt, giúp làm sạch vết thương của cún cưng mà không gây kích ứng như:

  • Lá và vỏ cây xà cừ: Cây xà cừ là loại cây thân gỗ được trồng rất nhiều ở Việt Nam để làm bóng mát. Vì vậy, bạn có thể tìm thấy loại cây này ở bất cứ nơi đâu. Theo kinh nghiệm ông bà để lại, bạn cần đun một ít vỏ và một nắm lá cây xà cừ rồi chắt lấy nước cho chó tắm. Mỗi tuần tắm nước lá cho chó từ 2 – 3 lần, khoảng 1 tuần sau, tình trạng vảy gàu do nấm sẽ thuyên giảm rõ rệt. 
  • Lá cây bàng: Dùng búp non của lá bàng phơi khô, sau đó đâm nhuyễn thành bột. Dùng loại bột này kết hợp với 12 – 15g vỏ thân bàng dạng thuốc sắc để pha nước tắm trị ghẻ và nấm cho chó, rửa vết loét bị nấm rất tốt.

Chú ý là cần cắt nhỏ lá bàng và lá xà cừ trước khi nấu. Đun lá khoảng 20 phút đến khi nước cô đặc lại và lá chuyển sang sẫm màu là được. Sau đó pha loãng nước lá rồi thêm vào 3 muỗng muối và cho chó tắm 15 – 20 phút. Trong lúc tắm, lấy lá chà nhẹ lên cơ thể của cún. Đối với chó con, bạn nên thao tác nhẹ nhàng hơn vì làn da của các bé rất mỏng mang. Nếu để da bị tróc do chà xát quá mạnh, tình trạng bệnh có thể diễn tiến nghiêm trọng hơn. 

Mặc dù phương pháp này tốn khá nhiều thời gian nhưng lại vô cùng hiệu quả. Bạn cũng có thể tắm nước lá thường xuyên cho cún cưng. Nước lá không chỉ có tác dụng làm sạch cơ thể mà còn rất tốt cho lông da của chúng.

Chữa bệnh cho chó bị nấm bằng nước muối loãng 

Chó bị nấm
Pha nước muối loãng để tắm cho chó

Dùng nước muối loãng để rửa vết thương trên da của cún là một trong những phương pháp trị nấm cho chó vừa đơn giản, vừa an toàn cho sức khỏe. Bởi muối có khả năng diệt khuẩn, kháng khuẩn cực tốt. Tuy nhiên, bạn nên chú ý tỷ lệ muối và nước nhất định vì nước muối loãng quá không có hiệu quả cao, còn tỷ lệ muối nhiều quá thì khiến cún cưng bị đau rát. 

Bạn có thể tìm thấy các chai nước muối sinh lý ở bất cứ tiệm thuốc tây nào trên toàn quốc. Hãy kiên trì sử dụng dung dịch nước muối loãng mỗi ngày để vết thương cho cún cưng nhanh khỏi bệnh nhé! 

Chữa bệnh cho chó bị nấm bằng dung dịch vệ sinh phụ nữ

Nghe khá lạ lẫm đúng không? Nhưng dung dịch vệ sinh phụ nữ Gynofar (250ml) là một trong những sản phẩm trị nấm da cho chó khá hiệu quả đấy. Sau khi làm sạch vết thương bằng thuốc đỏ Povidine, bạn hãy xịt dung dịch vệ sinh phụ nữ Gynofar lên vị trí da chó bị tổn thương do vi khuẩn nấm. Để ngăn chó liếm phải vùng da đang thoa thuốc gây ngộ độc, bạn nên sử dụng loa ngăn cổ chó. 

Hồi phục lông chó bị rụng do bệnh nấm 

Chó bị nấm
Vi khuẩn nấm “hoành hành” khiến chó bị rụng lông rất nhiều

Bệnh nấm khiến chó bị rụng lông rất nhiều, khiến vẻ đẹp của cún cưng bị sụt giảm đi đáng kể. Sau khi chữa trị khỏi nấm cho chó, lông của chúng sẽ bắt đầu mọc lên lại dần dần. Để bộ lông của chúng suôn mượt như xưa, bạn nên cung cấp cho chúng thực đơn hằng ngày đúng, đủ và khoa học. 

Chú ý bổ sung các loại thức ăn giàu axit béo, vitamin và các khoáng chất cần thiết. Lòng đỏ trứng gà, bì lợn sạch lông và mỡ cũng là những loại thực phẩm tốt cho sự phát triển của lông và da chó. Hơn nữa, chúng còn có giá thành rất rẻ nên bất kỳ ai cũng có thể mua được. Chỉ cần đảm bảo ăn uống đầy đủ chất như trên, bộ lông của chú chó nhà bạn sẽ trở nên bóng mượt như cũ trong vòng 3 tuần.

Kết hợp với các loại thuốc bổ có tác dụng hỗ trợ chăm sóc da và lông cho cún cưng như dầu cá Omega 3 & 6. Đối với những giống chó lớn, bạn có thể bổ sung thêm thịt bò, thịt trâu vào thực đơn của chúng. Một phương pháp phục hồi lông hữu hiệu nữa là dùng hoa hồi nghiền nhỏ trộn chung với phần ăn của chó.  Đây là một loại thảo dược có tác dụng làm mượt lông động vật cực kỳ tốt. 

Ngoài ra, nước là thành phần không thể thiếu để làn da của cún cưng không trở nên khô ráp. Việc uống nước sạch cũng giúp chó hạn chế tình trạng rụng lông. Sau khi lớp lông mới mọc lên, bạn hãy dành thời gian để chải chuốt lông cho chó thường xuyên, giúp lông không bị rối vón cục và luôn mềm mượt. Trong lúc chải lông cho chó, bạn hãy chú ý quan sát, vạch lông và tai để kiểm tra xem có các loại ký sinh trùng như ve chó, bọ chét hay không nhé.

Hãy giữ cơ thể chó luôn sạch sẽ nhưng nên nhớ là tắm vừa phải thôi nhé. Việc cắt tỉa lông thường xuyên cho cún cưng gọn gàng, sạch sẽ cũng giúp hạn chế tình trạng tái nhiễm nấm trở lại. 

Một số lưu ý phòng bệnh nấm da ở chó 

Chó bị nấm
Chữa bệnh nấm cho chó cần sự kiên trì

Các biểu hiện của hầu hết bệnh về da ở chó thường tương đối giống nhau. Do đó, chủ nuôi thường khó xác định đúng nguyên nhân chó bị bệnh. Việc tự điều trị tại nhà cũng vì thế mà gặp nhiều khó khăn và không đạt hiệu quả cao. 

Chẳng hạn như, các triệu chứng của bệnh ghẻ và bệnh nấm da trên chó khá giống nhau. Đều khiến da bị tróc vảy, ngứa ngáy khó chịu. Tuy nhiên, bệnh ghẻ khiến chó bị nổi các nốt đỏ, có mủ và chảy nước kèm theo máu khi bệnh nặng hơn. Chó bị ghẻ do đó hôi và bẩn hơn chó bị nấm rất nhiều. Vì vậy, chủ nuôi cần phân biệt rõ triệu chứng của hai căn bệnh này. Từ đó lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả hơn.

Ngoài ra, bạn cũng nên hạn chế ôm chó đang bị bệnh. Bệnh nấm da ở chó có khả năng lây lan rất nhanh. Do đó, bạn không nên để chó bị bệnh nấm ở chung với những vật nuôi khác trong gia đình và trẻ nhỏ. Bởi bệnh nấm ở chó có thể lây lan sang cho người. Sau khi chăm sóc cún cưng bị nấm có thể bị nhiễm vi nấm T. mentagrophytes, M.canis bám trên lông của chó. 

Bên cạnh đó, không nên lạm dụng các loại sữa tắm trị nấm cho chó quá nhiều. Thay vào đó, tắm cho chó bằng sữa tắm đặc trị nấm theo liều lượng phù hợp để nấm mau biến mất. Việc cạo lông cho những chú chó mắc bệnh nấm cũng giúp hạn chế vi khuẩn lan rộng và dễ dàng bôi thuốc trị nấm hơn.

Cách phòng ngừa chó bị nấm

Không chỉ khiến cún cưng bị đau nhức, khó chịu, bệnh nấm còn trên da chó còn có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không chữa trị kịp thời. Chính vì thế, cách tốt nhất để bảo vệ sức khoẻ cho cún cưng chính là phòng ngừa bệnh nấm mỗi ngày. Nếu bạn đã quyết định chăm sóc một chú chó thì bạn nên có trách nhiệm với sức khoẻ của chúng. Hãy quan tâm, dành tình thương và những điều tốt đẹp nhất cho người bạn thân thiết của chúng ta nhé!

Cho chó đi tắm nắng vào sáng sớm hay chiều tối

Chó bị nấm
Dẫn chó đi tắm nắng mỗi ngày để chó được khoẻ mạnh

Cũng giống như con người, chó cũng cần được phơi nắng để sức khoẻ ổn định và sống lâu hơn. Những tia nắng ấm áp sẽ giúp tăng bạch cầu trong cơ thể, gia tăng hệ miễn dịch và sức đề kháng cho cún cưng. Nguy cơ mắc các bệnh vặt cũng vì thế mà giảm đáng kể. 

Các nhà nghiên cứu cũng đã chứng minh những chú chó tắm nắng thường xuyên sẽ ít bị mắc các bệnh về da như viêm da, ghẻ lở hay viêm nhiễm hơn những chú chó chỉ nằm ở trong phòng kín. Dưới ánh nắng mặt trời, các siêu vi trùng sẽ nhanh chóng bị tiêu diệt nhanh gọn. 

Bạn nên dành thời gian sáng sớm hoặc chiều tối để dẫn cún cưng đi dạo tắm nắng. Khoảng thời gian này nắng khá dịu nhẹ, có nhiều vitamin D tốt cho quá trình chuyển hóa canxi, không có tia cực tím (nếu có thì cực ít) nên cực kỳ an toàn cho làn da của thú cưng. Đặc biệt là những giống chó có làn da mỏng manh. 

Hạn chế cho chó đi tắm nắng vào thời điểm nắng gắt như buổi trưa. Bởi vì nắng gắt cộng với độ ẩm sẽ khiến chó dễ bị vảy gàu và bị nấm hơn. Ngoài ra, những ngày trời nồm khiến da lông chó bị ẩm. Bạn có thể dùng máy sấy ở mức nhẹ để sấy khô lông cho chó.

Mỗi ngày, bạn nên cho chó tắm nắng từ 15 đến 30 phút để bé luôn khỏe mạnh. Hoặc ít nhất là 3 lần mỗi tuần nhé! 

Dùng sữa tắm chuyên dụng dành riêng cho chó

Chó bị nấm
Dùng sữa tắm chuyên dụng cho chó thay vì sữa tắm của người

Mặc dù các chuyên gia khuyến cáo không nên tắm cho cún cưng quá nhiều lần. Tuy nhiên, không thể để mặc cún cưng bị hôi thối như thế được đúng không nào? Bạn có thể tắm cho các bé từ 1-2 lần mỗi tuần bằng các loại sữa tắm chuyên dụng cho chó. 

Tuyệt đối không dùng sữa tắm của người cho chó vì nồng độ pH trong các loại sữa tắm của người có thể làm dị ứng da của thú cưng. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại sữa tắm chuyên dụng cho chó được đánh giá cao. Bạn có thể tham khảo tư vấn của nhân viên cửa hàng để chọn loại sữa tắm phù hợp với giống chó. 

Sau khi tắm xong, cần lau sạch nước và sấy khô lông cho chó ngay lập tức. Nếu có thể, hãy sử dụng máy sấy lông động vật chuyên dụng để làm khô lông nhanh chóng và an toàn cho cún cưng.

Dùng thuốc diệt ve, bọ chét, rận

Ngay khi phát hiện ve chó, bọ chét, rận ký sinh trên cơ thể của cún cưng, bạn cần “diệt trừ” ngay để chúng không có cơ hội sinh sôi và phát triển. Nếu ít, bạn có thể “tự xử” bằng cách dùng nhíp bắt. Còn nếu số lượng ve rận, bọ chét trên cơ thể cún cưng quá nhiều, bạn có thể dùng thuốc để “tiêu diệt” tận gốc chúng. 

Tuy nhiên, nên thăm khám nếu tình trạng bệnh quá nghiêm trọng. Đồng thời sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ thú y để đạt hiệu quả cao nhất.

Khám sức khỏe cho chó định kỳ

Chó bị nấm
Thăm khám cho chó ngay khi có dấu hiệu bị nấm để chữa trị kịp thời

Định kỳ 6 tháng, bạn nên cho chó đi bệnh viện để khám tổng quát một lần. Kết hợp với theo dõi và quan sát tình trạng sức khỏe của chó mỗi ngày. Ngay khi phát hiện chó có các biểu hiện lạ ở da, hãy đưa cún cưng đi khám và điều trị bệnh từ sớm để tránh bệnh nặng hơn.

Ngoài ra, để phòng bệnh nấm da ở chó hiệu quả, cơ thể của chó cũng cần được vệ sinh sạch sẽ và đảm bảo khô ráo. Mồ hôi chính là kẻ thù số 1 khiến chó bị nấm da. Vì thế, hãy cắt tỉa lông cho cún cưng thường xuyên. Đặc biệt là vào mùa hè nóng nực, và những chú chó lông dài, rậm. 

Giữ vệ sinh sạch sẽ nơi ở và những khu vực xung quanh 

Chó bị nấm
Dọn dẹp nơi sống của chó thường xuyên

Môi trường sống quyết định phần lớn tình trạng sức khoẻ của động vật. Đó là nơi sinh hoạt và vui chơi chủ yếu của cún cưng. Do đó, nếu không được vệ sinh sạch sẽ, chứa đầy bụi bặm và vi khuẩn thì đây chính là cơ hội để “bè lũ” vi khuẩn, ký sinh trùng sinh sôi và phát triển. Vì thế, hãy dọn dẹp nơi ở của chó thường xuyên. Giặt chăn gối của chó định kỳ hàng tuần để làm sạch bụi bẩn. 

Hằng tháng, hãy xịt thuốc diệt ký sinh trùng để phòng ngừa trường hợp ve chó, bọ chét “xâm nhập” vào nơi ở của thú cưng. Mỗi khi chó ra đường chơi, bạn không nên cho cún cưng tiếp xúc với những nơi ẩm thấp, bẩn thỉu, những bụi cây rậm rạp, ẩm ướt. Bởi đây là những nơi tiềm ẩn nguy cơ chứa nhiều vi khuẩn và ký sinh trùng nhất.

Nếu chó đã bị nấm, bạn nên dùng xịt sát trùng trị nấm để làm sạch nơi ở của chó và khu vực mà chó hay tiếp xúc. Việc xử lý môi trường sống của cún cưng giúp các thành viên khác trong gia đình (bao gồm người và vật nuôi) hạn chế nguy cơ bị lây nhiễm vi khuẩn nấm.

Trên đây là những thông tin cơ bản về bệnh nấm ở chó. Chó bị nấm do đâu và đâu là cách điều trị hiệu quả cho chó bị nấm. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn chăm sóc cún cưng tốt hơn, cũng như bảo vệ sức khỏe cho các thành viên trong gia đình nhé!

 

Leave A Reply

Your email address will not be published.