Mắt chó bị đỏ là bệnh gì?

0 22.874

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn với tình trạng mắt chó bị đỏ, từ đơn giản với phức tạp. Tựu chung, nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời, tình trạng này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn, dẫn tới những chứng bệnh về mắt, thậm chí mù loà. Vì thế, để bảo vệ sức khoẻ của cún cưng, bạn nên tìm hiểu kỹ nguyên nhân chó bị đỏ mắt và cách chữa trị kịp thời. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết sau đây nhé!

Chó bị đỏ mắt là bệnh gì?

Mắt chó bị đỏ có thể gây mất thị lực vĩnh viễn

Cũng giống như con người, đôi mắt của chó rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương bởi tác động từ môi trường. Mắt chó bị đỏ có thể do bị kích ứng khi bụi bẩn, côn trùng, phấn hoa, hoá chất,… bay vào mắt. Những vật thể lạ này sẽ làm tổn thương giác mạc của chó khiến mắt chó bị sưng, đỏ ngầu, thường xuyên chảy nước mắt. 

Tình trạng chó bị đỏ mắt thường xảy ra ở những chú chó dễ mắc bệnh về da. Đặc biệt là giống chó da mặt nhăn nheo, mặt gãy như chó Bulldog, chó Chow Chow hay chó Pug. Vùng da mặt bị nhăn khiến lông mi của chó dễ quặm vào mắt, gây đỏ mắt, đau rát. 

Nếu tình trạng này kéo dài và không được chữa trị kịp thời, đúng cách, chó sẽ bị viêm kết giác mạc. Đây là căn bệnh nguy hiểm, gây ra nhiều biến chứng đối với thị lực và sức khoẻ của chó. Hầu hết chó bị viêm kết giác mạc trong thời gian dài đều bị mù loà vĩnh viễn. Là người bạn đồng hành, cũng là chủ nuôi của chó, bạn nên chú ý quan sát các biểu hiện bất thường của chó, đặc biệt là khi mắt bị đỏ, để sớm phát hiện bệnh và chữa trị kịp thời nhé!

Phân loại nguyên nhân khiến mắt chó bị đỏ

Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến chó đột ngột bị đỏ mắt. Có thể là do côn trùng, bụi bẩn, hoá chất hoặc dị ứng,… Việc xác định nguyên nhân khiến mắt chó bị đỏ đóng vai trò quan trọng trong việc chữa trị bệnh cho chó đúng cách. Gíup bạn cách ly chó với nguồn gốc gây bệnh để quá trình điều trị diễn ra hiệu quả hơn. 

Do côn trùng 

Côn trùng ký sinh khiến chó bị đỏ, loét mắt

Côn trùng là nguồn gốc gây ra nhiều căn bệnh ở thú cưng. Chúng thường ẩn nấp ở những nơi ẩm ướt như bụi cây, sân vườn,… Đây đều là những địa điểm vui chơi yêu thích của cún cưng, đặc biệt là những giống chó “giàu năng lượng” như Husky, Pitbull,… Do đó, nhiều chú chó đã bị côn trùng ký sinh vào trong mắt, dẫn đến tình trạng mắt chó bị đỏ.

Khi nhận thấy phần lông quanh mắt chó bị rụng dần, chó thường xuyên cào, dụi phần mắt, mắt chó sưng đỏ, đau rát. Có khả năng cao là mắt chó đã bị côn trùng xâm nhập. Mặc dù nguyên nhân này không tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nhưng bạn cần kiên trì cho chó dùng thuốc điều trị từ 2 – 3 tháng mới có thể khỏi được.

Do khô giác mạc

Khô giác mạc là tình trạng tương đối phổ biến ở loài chó khi tuyến lệ của chó bị rối loạn. Lượng nước mắt tiết ra không đủ để bôi trơn, giữ độ ẩm và làm sạch giác mạc. Gíac mạc bị khô cũng khiến bụi bẩn dễ bám vào mắt và bám lâu hơn khiến tình trạng mắt chó bị đỏ ngày càng nghiêm trọng. 

Một nguyên nhân gây ra khô mắt thứ phát như: di chứng hậu phẫu thuật mắt, bệnh Care, viêm aden qua trung gian miễn dịch gây tổn thương mô tuyến lệ,… Biểu hiện dễ thấy khi khô giác mạc như chó chớp mắt liên tục, một bên lỗ mũi chó bị khô, tuyến lệ bị viêm và sưng to, đổ ghèn vàng và xanh, chó cực kỳ nhạy cảm với ánh sáng. Nếu tình trạng khô mắt kéo dài, thị lực của chó sẽ bị tổn thương.

Do chất kích thích từ môi trường

mắt chó bị đỏ
Bụi bẩn bay vào mắt khiến giác mạc bị tổn thương

Hầu hết chó bị đỏ mắt do dị ứng với các vật thể lạ bay vào mắt như bụi bẩn, lông mi, phấn hoa, khói thuốc lá… Chẳng hạn, khi chó đang lăn tròn trên sân cỏ, mắt chúng bị cỏ quẹt vào khiến mắt bị đỏ. Hay khi lông mi mọc dài, chọc vào mắt khiến mắt chó bị đỏ. Hay khi chó tiếp xúc với phấn hoa gây đỏ mắt do dị ứng. Biểu hiện khi mắt chó bị kích ứng rất dễ nhận biết: mắt toét, đôi khi có mủ kết ở khoé mắt. 

Nếu chó bị đỏ mắt do nguyên nhân này thì bạn không cần quá lo lắng. Miễn là cún cưng được nghỉ ngơi, tránh tiếp xúc với bụi bẩn trong vài ngày thì tình trạng đỏ mắt sẽ dần thuyên giảm mà không cần điều trị. 

Tuy nhiên, nếu mắt chó bị đỏ do kích ứng với hoá chất, bạn nên đưa cún cưng đến cơ sở thú y để thăm khám và chữa trị cho chó kịp thời để tránh những biến chứng ngoài mong muốn nhé!

Bệnh viêm kết mạc

Bệnh viêm kết mạc là tình trạng kết mạc mắt của chó bị sưng viêm, lớp mô ẩm ướt che phủ nhãn cầu và mặt trong mí mắt. Bệnh viêm kết mạc do nhiều nguyên nhân khác nhau như:

  • Chất kích thích từ môi trường như bụi bẩn, cỏ, phấn hoa, hoá chất,…
  • Do “đánh nhau” với các chú chó khác khiến giác mạc bị tổn thương
  • Máu dư thừa trong mí mắt (gọi là sung huyết)
  • Do nhiễm nấm, nhiễm khuẩn Staphylococcal, mite, virus sài sốt
  • Viêm kết mạc tương bào (thường thấy ở chó Becgie Đức)
  • Các bệnh liên quan đến mô quanh mắt như: viêm màng bồ đào trước, tăng nhãn áp, chấn thương niêm mạc mắt

Biểu hiện của bệnh viêm kết mạc ở chó gồm: 

  • Mắt chó bị đỏ
  • Kết mạc sưng do lớp mô ẩm ướt tích tụ dịch mủ quanh nhãn cầu
  • Nhãn cầu đục dần
  • Mí mắt dính chặt với nhau do dịch tiết bị khô
  • Thường xuyên chớp mắt do co thắt (blephora)
  • Đặc biệt, chó thường xuyên nheo mắt và sợ ánh sáng
  • Thường xuyên đổ ghèn mắt, màu trong suốt hoặc chứa mủ/ chất nhầy
  • Hình thành nang do mô bạch huyết tích tụ
  • Chó thường xuyên dùng chân gãi mắt hoặc dụi vào đồ vật trong nhà để đỡ ngứa.

Nếu chó có những triệu chứng trên, cùng với sức khoẻ suy giảm, bỏ ăn, chán nản, không thích vận động ngoài trời mà trốn vào góc tối thì có nguy cơ cao là chó bị bệnh viêm kết mạc. Nếu viêm kết mạc kéo dài, không được chữa trị đúng thời điểm và đúng cách có thể dẫn đến dạng mãn tính, loét giác mạc và suy giảm thị lực vĩnh viễn ở chó.

Một số phương pháp điều trị mắt chó bị đỏ

Đối với mỗi nguyên nhân gây bệnh đỏ mắt ở chó, cần có những cách điều trị khác nhau. Sau đây là một số phương pháp điều trị chó bị bệnh mắt đỏ. 

Điều trị bệnh đỏ mắt do khô giác mạc

mắt chó bị đỏ
Nhỏ thuốc nhỏ mắt cho chó để cấp ẩm cho giác mạc

Trước tiên, bạn cần lau sạch ghèn, dịch nhầy quanh vùng mắt của chó. Dùng giấy vệ sinh mềm, bông tẩy trang hoặc bông gòn nhúng vào nước ấm rồi nhẹ nhàng lau quanh hốc mắt. 

Sau đó, nhỏ thuốc kháng viêm theo chỉ định của bác sĩ để chống viêm tuyến lệ. Đồng thời, nhỏ dung dịch nước mắt nhân tạo để cấp ẩm và bôi trơn nhãn cầu. Nếu tình trạng khô giác mạc nghiêm trọng, bạn có thể cho chó dùng thuốc kháng sinh (được bác sĩ chỉ định) để tăng hiệu quả điều trị. 

Điều trị bệnh đỏ mắt do chất kích thích từ môi trường  

Nếu triệu chứng nhẹ, bạn có thể điều trị và chăm sóc cho chó tại nhà. Đầu tiên, dùng khăn mềm nhúng nước muối ấm pha loãng lau quanh vùng mắt cho chó để lau sạch bụi bẩn, dịch nhầy, ghèn,… Tiếp tục dùng dung dịch rửa mắt để làm sạch các dịch tiết còn sót lại ở khoé mắt. 

Nếu lông chó quá dài, bạn nên cắt tỉa bớt lông quanh mắt và những sợi lông mi quặm vào mắt để tránh làm tổn thương giác mạc của chó. Sau đó, nhỏ thuốc nhỏ mắt cho chó như Saloge hay Bioline để chống viêm, khử trùng vi khuẩn. Một số loại thuốc điều trị viêm kết mạc và viêm giác mạc phổ biến như: Thuốc Cloramphenicol, Thuốc mỡ mắt Erythromycin.

Hãy chú ý đảm bảo vệ sinh ở khu vực sinh hoạt của chó, tránh bụi bẩn, côn trùng,… sinh sôi và xâm nhập vào cơ thể cún cưng. Giai đoạn này, bạn cũng nên hạn chế cho chó vui chơi ngoài sân vườn, đào đất hay dính phấn hoa… vì đây có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng mắt chó bị đỏ.

Bên cạnh đó, bạn có thể dùng gạc ướt ấm che mắt cho cún cưng để giúp cún cưng được thư giãn. Lưu ý là tránh cho chó tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời do tia UV là nguyên nhân khiến bệnh viêm kết mạc nghiêm trọng hơn. Nếu điều trị tại nhà không hiệu quả, bạn nên đưa chó đến bệnh viện thú y để tránh biến chứng thành bệnh viêm kết mạc. 

Điều trị bệnh đỏ mắt do bệnh viêm kết mạc

mắt chó bị đỏ
Đưa cún cưng đi khám nếu điều trị tại nhà không thành công

Bác sĩ chẩn đoán bệnh cho chó bằng nhiều biện pháp khác nhau như xét nghiệm máu, chụp X-quang, siêu âm mắt… Chẳng hạn nhuộm fluorescein để xác định vật thể lạ (bụi bẩn, vết trầy xước,…) trong mắt chó; xác định áp lực trong mắt và rửa khoang mũi để xác định bệnh tăng nhãn áp; thực hiện nuôi cấy ghèn mắt để xác định thành phần của ghèn; sinh thiết tế bào kết mạc bằng kính hiển vi; xét nghiệm da nếu vùng da quanh mắt bị dị ứng… 

Việc chẩn đoán giúp bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất với loại thuốc phù hợp. Chẳng hạn, đối với chó bị bệnh mắt đỏ do nhiễm vi khuẩn, bác sĩ sẽ cho chó dùng thuốc mỡ kháng sinh hoặc thuốc uống kháng sinh. Khi điều trị sớm viêm kết mạc sơ sinh, bác sĩ sẽ mở mí mắt để lấy ghèn và điều trị tại chỗ bằng thuốc kháng sinh. 

Nếu nguyên nhân gây viêm kết mạc mắt là ung thư, bác sĩ cần thực hiện phẫu thuật để cắt bỏ khối u và thực hiện xạ trị cho chó. Trường hợp viêm kết mạc nghiêm trọng nhất, bác sĩ phải tiến hành phẫu thuật loại bỏ nhãn cầu để tránh nguy hiểm đến tính mạng. 

Bệnh viêm kết mạc tuy không khó điều trị nhưng bạn nên đưa cún cưng đến cơ sở thú y để được tư vấn liệu trình chữa bệnh phù hợp nhất. Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm kết mạc rất rõ ràng. Do đó, ngay khi phát hiện mắt chó bị đỏ, bạn nên đưa cún cưng đến gặp bác sĩ thú y để được chữa trị kịp thời, rút ngắn thời gian điều trị và đạt hiệu quả tốt nhất. 

Một số lưu ý khi chữa mắt chó bị đỏ

Vệ sinh mắt chó cẩn thận thường xuyên. Trước khi nhỏ thuốc nhỏ mắt, bạn cần lau sạch bụi bẩn, ghèn, dịch tiết,… cho cún cưng bằng bông tẩm dung dịch axitboric 2% hoặc nước muối sinh lý 0,9%. Hãy lau mắt cho chó bằng bông gòn hoặc khăn mềm một cách nhẹ nhàng để tránh làm tổn thương giác mạc của cún cưng nhé!

Cách tốt nhất để đảm bảo an toàn sức khoẻ cho cún cưng là chữa trị càng sớm càng tốt, tránh tình trạng bệnh viêm giác mạc/ viêm kết mạc diễn tiến nghiêm trọng hơn, khó chữa trị hơn. 

Ngoài ra, bạn nên hạn chế cho chó tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời vì tia UV có thể khiến giác mạc bị khô, dễ nhiễm vi khuẩn và tình trạng mắt chó bị đỏ nghiêm trọng hơn. Đồng thời, cho chó nghỉ ngơi trong môi trường sống sạch sẽ, tránh tiếp xúc với bụi bẩn, khu vực ẩm ướt…

Cách chăm sóc cho chó bị đỏ mắt

mắt chó bị đỏ
Giai đoạn này, mắt của chó rất nhạy cảm nên cần chăm sóc nhẹ nhàng
  • Vệ sinh mắt và nhỏ thuốc nhỏ mắt được bác sĩ chỉ định cho cún cưng 2 lần/ ngày
  • Hạn chế cho chó tiếp xúc với bụi bẩn, ánh nắng mặt trời,… trong thời gian điều trị
  • Cắt tỉa lông cho chó thường xuyên, đặc biệt là khu vực quanh mắt để quánh lông quặm vào mắt
  • Giữ vệ sinh khu vực sinh hoạt của cún cưng
  • Đeo một chiếc vòng bảo vệ quanh cổ cho chó để tránh chúng tự đưa chân lên gãi ngứa
  • Tuân theo hướng dẫn điều trị cho chó của bác sĩ thú y, tránh gián đoạn quá trình điều trị
  • Hạn chế để chó tiếp xúc với các thú cưng khác trong gia đình, đặc biệt là khi mắt chó bị đỏ do virus sài sốt ở chó.
  • Chế độ ăn uống khoa học, tránh những loại thực phẩm gây kích ứng cho chó.
  • Tái khám định kỳ từ 5 – 7 ngày cho đến khi mắt chó hết bị đỏ.
  • Nếu đơn thuốc có cả thuốc mỡ và dung dịch nhỏ mắt, hãy nhỏ thuốc nhỏ mắt cho chó trước

Biện pháp phòng chống mắt chó bị đỏ

Không có biện pháp nào phòng tránh hoàn toàn tình trạng chó bị đỏ mắt. Tuy nhiên, bạn có thể phòng tránh cho chó bằng các biện pháp cơ bản như sau.

Tiêm chủng các bệnh phổ biến

Tiêm phòng giúp tăng hệ miễn dịch cho chó

Việc tiêm chủng có vai trò quan trọng đối với quá trình sinh trưởng của cún cưng. Nếu không được tiêm phòng, chúng sẽ rất dễ mắc các bệnh phổ biến như bệnh Care, viêm màng bồ đào trước, mộng mắt,… dẫn đến triệu chứng mắt chó bị đỏ. Vì thế, tiêm phòng đầy đủ là một trong những cách phòng tránh chó bị đau mắt đỏ được áp dụng phổ biến. 

Bạn có thể đưa chó đến bệnh viện thú y, trạm y tế thú y, phòng khám thú y tư nhân để tiêm phòng. Đồng thời, đưa cún cưng đi khám định kỳ 6 tháng/ lần vì các loại virus, vi khuẩn gây bệnh đỏ mắt (chẳng hạn virus sài sốt) có thể xâm nhập vào cơ thể cún cưng bất kỳ lúc nào. Việc tiêm chủng định kỳ cũng giúp tăng hệ miễn dịch cho chó. 

Hạn chế chơi bẩn

Nguyên nhân khiến mắt chó bị đỏ phổ biến nhất là bị kích ứng do vật thể lạ bay vào mắt. Vì thế, cách tốt nhất để tránh chó bị đỏ mắt là hạn chế cho chó chơi đùa ở bãi đất, bụi rậm, bãi cát, khu vực ẩm ướt… Những khu vực này thường chứa rất nhiều ổ vi khuẩn. Chó có thể bị nhiễm bụi bẩn, virus, vi khuẩn hoặc côn trùng ký sinh nếu chơi đùa trong môi trường này.

Giữ vệ sinh nơi ở

mắt chó bị đỏ
Tỉa lông mi quanh mắt để tránh lông mi quặm vào mắt, gây mắt đỏ.

Nếu không giữ vệ sinh nơi ở, dụng cụ sinh hoạt (khay ăn, giường ngủ, chuồng,…) cho cún cưng, vi khuẩn sẽ sinh sôi và xâm nhập vào cơ thể chúng, gây ra các bệnh liên quan đến mắt. Bạn nên giặt nệm nằm của cún mỗi tháng 2 – 3 lần, vệ sinh khay ăn sau mỗi bữa ăn và chuồng của chúng thường xuyên để tránh vi khuẩn sinh sôi nhé!

Bên cạnh đó, bạn cũng nên tránh để chó tiếp xúc với hoá chất như nước rửa chén, nước lau nhà,… Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến mắt chó bị đỏ. Khi đang làm việc nhà, bạn không nên cho chó đứng ở gần nhé!

Cắt tỉa lông thường xuyên

Mỗi tháng, bạn nên cắt tỉa lông cho chó 1 lần, đặc biệt là vào mùa hè. Những sợi lông dài có thể chọc vào mắt khiến mắt chó sưng đỏ và tổn thương. Ngoài ra, bạn có thể nhỏ mắt bằng thuốc nhỏ mắt cho chó thường xuyên để tránh khô giác mạc. 

Trên đây là những thông tin chi tiết về nguyên nhân, cách chữa và cách phòng tránh mắt chó bị đỏ. Bệnh đỏ mắt ở chó hình thành do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ đơn giản đến phức tạp, có thể tự lành trong vài ngày nhưng cũng có thể biến chứng thành nhiều căn bệnh nguy hiểm khác. Vì thế, nếu sau 1 – 2 ngày, mắt chó không tự hết đỏ thì bạn nên đưa chúng đi khám bác sĩ thú y để xác định tình trạng bệnh và lựa chọn lộ trình điều trị thích hợp nhé! 

Tốt nhất là bạn nên chữa trị cho cún cưng càng sớm càng tốt để tránh các biến chứng nguy hiểm, thậm chí mù loà. Vì thế, hãy chú ý quan sát cún cưng nếu chúng có các biểu hiện bất thường nhé! Hy vọng những thông tin về mắt chó bị đỏ trên sẽ giúp bạn chăm sóc cún cưng tốt hơn! 

 

Leave A Reply

Your email address will not be published.